Lần đầu tiên, thông qua thỏa thuận hợp tác, 10 trường ĐH khối ngành kinh tế sẽ cho sinh viên (SV) học trao đổi, công nhận tín chỉ lẫn nhau. Nói cách khác, SV 10 trường kinh tế có thể sang học trao đổi ở trường bạn.
Vừa học, vừa trải nghiệm
Cuối tháng 10/2022, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cùng 9 trường trong khối ngành kinh tế, gồm: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Trường ĐH Ngoại thương; Trường ĐH Thương mại; Học viện Tài chính; Học viện Ngân hàng; Học viện Chính sách và Phát triển; Trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cùng ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo PGS.TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế, nổi bật trong hợp tác trên là 10 trường ĐH sẽ tổ chức các khóa trao đổi học viên, SV. Khóa dài hạn (1 học kỳ tương ứng khoảng 15 tuần) cho phép người học của các trường được đăng ký học tập/thực tập/nghiên cứu tại trường đối tác. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. SV được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng người học của trường tiếp nhận trong các lớp mở theo kế hoạch học tập của trường. Riêng khóa ngắn hạn (tương ứng từ 3 đến 8 tuần) được tổ chức trong thời gian hè. Các trường ĐH công bố chương trình, nội dung khóa học và cho phép người học thuộc nhóm 10 trường trong thỏa thuận được đăng ký học tập tối đa 12 tín chỉ.
Ngoài thời gian lên lớp, SV có thể tham gia thực tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giảng viên trường tiếp nhận. Ngoài nội dung học tập chuyên môn, trường tiếp nhận tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa, hoạt động cộng đồng… Khóa ngắn hạn được tổ chức chung cho tất cả người học của các trường tham gia. Điểm được kỳ vọng nhất là bên cạnh học tập sẽ cho SV trải nghiệm văn hóa của các vùng đất khác nhau, trải nghiệm môi trường sống, học tập của SV trường bạn.
Chương trình dự kiến sẽ được mở từ học kỳ hè năm học 2022 – 2023 tại Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, các chương trình tiếp theo sẽ được tổ chức luân phiên tại các trường (theo đăng ký tự nguyện). Đại diện các trường trong khối cũng thống nhất về việc tuyển chọn SV/học viên, người học có nhu cầu đăng ký học chương trình trao đổi tại trường khác thì trường cử đi có trách nhiệm lập danh sách người học đủ điều kiện gửi cho trường tiếp nhận trước khóa trao đổi, chậm nhất 2 tuần trước khi học kỳ bắt đầu. Số lượng người học và điều kiện đầu vào (bao gồm kết quả học tập, điều kiện ngoại ngữ…) của người học tham gia chương trình trao đổi cho từng năm học sẽ được trường tiếp nhận công bố ít nhất 1 kỳ trước khi năm học bắt đầu. Trường tiếp nhận ra quyết định tiếp nhận người học và biên chế vào các lớp phù hợp.
Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là học phí. Theo GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, sinh viên đăng ký các chương trình trao đổi sẽ đóng học phí theo số tín chỉ được miễn, công nhận tại trường cử đi, ngoài ra không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo. Chi phí ăn ở, đi lại và tham gia các hoạt động (ngoài học phí) sinh viên sẽ tự chi trả, các trường tiếp nhận có thể hỗ trợ về ký túc xá hoặc các thông tin cần thiết khác.
Đại diện lãnh đạo 10 trường khối kinh tế cùng nhau thoả thuận hợp tác
Đảm bảo chương trình, công nhận tín chỉ
Trên thực tế, hoạt động trao đổi SV ở các trường ĐH không mới, lâu nay đã có nhiều hoạt động trao đổi SV quốc tế. Tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế khoảng 7-8 năm trở lại thường xuyên đón tiếp, tổ chức các hoạt động trao đổi sinh viên với Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia… Song, tính chất từ hợp tác lần này sẽ rất khác, SV sẽ có cơ hội học tập trải nghiệm trong các môi trường đào tạo khác nhau ở các lĩnh vực chuyên môn là thế mạnh của các trường, tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.
Do cùng khối ngành kinh tế, điều kiện để trao đổi học tập rất thuận lợi. PGS.TS. Phan Thanh Hoàn phân tích, kiến thức trong khối ngành kinh tế trong chương trình đào tạo ở các trường có độ chênh không lớn, vì vậy, thuận lợi cho việc công nhận kết quả các khóa học cho SV/học viên. Còn theo GS.TS. Phạm Hồng Chương, trước lễ ký kết thỏa thuận, 10 trường ĐH đã có những sự điều chỉnh để chương trình đào tạo tương đối gần nhau. Khi SV học trao đổi trong 1 học kỳ (khoảng 3 – 4 môn), các môn này sẽ đều có sự tương đồng với môn sẽ học tại trường tiếp nhận.
Theo PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, quy chế đào tạo ĐH ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo hành lang pháp lý, cho phép các trường công nhận đến 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo. Một thuận lợi khác là hiện nay nhiều chương trình đào tạo của các trường kinh tế đã được kiểm định, có nhiều điểm chung nên dễ cho việc công nhận tín chỉ lẫn nhau.
Lãnh đạo các trường cũng cho rằng, nhóm SV được khuyến khích nhiều hơn trong việc tham gia học trao đổi là sinh viên từ năm thứ ba trở đi. Bởi thông thường ở năm nhất, năm hai, SV chưa vững các kiến thức nền tảng. Mặt khác, kiến thức các môn đại cương không quá cần thiết thực hiện việc trao đổi bằng các học phần chuyên ngành.
Để đáp ứng việc cho SV học trao đổi, công nhận tín chỉ lẫn nhau, các trường sẽ có sự chuẩn bị kỹ những điều kiện sẵn sàng tiếp nhận SV trường bạn, bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất lẫn điều kiện học tập. Theo PGS.TS. Phan Thanh Hoàn, nhà trường định hướng cũng sẽ thành lập một đơn vị chuyên trách đảm nhận công tác này.